Kỷ Niệm 50 Năm Thành Hôn
Phạm Chinh Đông-Hương Trinh
Show Nhạc Phạm Chinh Đông online
KỶ NIỆM VỚI NHẠC SĨ ĐỖ HẢI VÀ BẠN HỮU
HƯƠNG TRINH GÓI BÁNH LÁ DỪA
Nhạc Phạm Chinh Đông:
Chút
Hương Trần Gian
Lâm Thanh
Đồng hương Trà Vinh thường nhắc tới nhạc sĩ Trúc Phương sau khi ông đã thành danh
và được nhiều người khác nhắc tới.Trường hợp Phố Thu cũng vậy. Chúng ta thường
hay biết trễ,vinh danh trễ những nhân tài của tỉnh nhà, có lẽ vì ít lưu
tâm, hoặc chậm tìm hiểu hay chưa có ai giới thiệu trước. Chúng tôi
không muốn đi sau như vậy nữa đối với trường hợp một người đồng hương cũng rất tài hoa của Trà Vinh. Đó là Phạm Chinh Đông. Trong năm qua anh vừa
cho phát hành một CD nhạc với tên là: “Chút Hương Trần Gian”.
Trước
khi giới thiệu kỹ hơn về đĩa nhạc này, thiết nghĩ
cũng nên nhắc sơ qua về con người Phạm Chinh
Đông. Quê Anh ở Biên Hòa nhưng vì vận nước đẩy đưa, trước 1975 anh về làm việc tại Long Toàn rồi mọc rễ luôn cũng ngay tại
vùng đất nhiều thương khổ đó. Chúng ta rất cảm động
về việc anh chọn Trà Vinh làm quê hương, càng quí mến anh hơn và coi anh là đồng hương quá ruột thịt khi anh đã từng vì
Vĩnh Bình mà chịu quá nhiều gian nguy trước đây và những ngày tháng quá lận đận
sau 75.
Quê
vợ anh ở Cái Đôi, Long Vĩnh. Tôi không thể không nói là tôi đã dành cho anh và
gia đình vợ con anh sự quí mến chân thành. Sau khi "học tập" thật tốt
ngay tại chính Long Toàn, anh đã được đi định cư tại Hoa Kỳ vào cuối tháng 8
năm 1996 theo diện HO và hiện sống ở thành phố Philadelphia, tiểu bang
Pennsylvania, thuộc miền đông Hoa Kỳ.
Anh
là người đa tài. Về phương diện văn nghệ anh thường xuất
hiện trên nhiều Đặc San Xuân Trà Vinh với những bài tùy bút độc đáo, mà nhiều lần
tôi muốn gọi anh là văn sĩ. Anh thường lấy tên nhân vật là Năm Hiệp, đó là tên
thật của anh.
Bây
giờ anh viết nhạc. Bên cạnh những bản nhạc của Bác sĩ Trần Cao Thăng viết về
Càng Long, bài Em Gái Trà Vinh, và một đồng hương khác
tên Nguyễn Châu
viết về Tiểu Cần đăng trong các Đặc San TV, chưa lần nào thấy có nhạc Phạm
Chinh Đông. Đùng một cái, Năm Hiệp cho ra một album nhạc tình thật xuất sắc:“Chút
Hương Trần Gian". Nội cái tựa không nghe cũng đã thấy hấp dẫn rồi. Quả
thật đây phải là tác phẩm của một người có tâm hồn, có khiếu về nhạc và có
trình độ nghệ thuật già dặn. Tất cả bấy nhiêu đủ để cho chúng ta gọi Phạm Chinh
Đông là một nhạc sĩ. Vậy là Trà Vinh có thêm một nhạc sĩ, mà đáng lẽ chính chúng ta
phải là người biết trước, ái mộ trước và hơn hết giới thiệu với nhau và
bạn bè trước.
CD
nhạc Chút Hương Trần Gian gồm có 12 bài, một trong đó có đăng trong Đặc San Trà Vinh
năm nay là “Chút Nắng Quê Hương”. Trong phần mở đầu và giới thiệu
có những lời như thế này: Tâm tình của một
thời thanh xuân không còn nữa, như một chút hương trần gian, xin còn mãi
những thơm tho...
Nghe đi nghe lại 12 bài ca, cảm tưởng chung của
tôi là buồn quá. Buồn đây không
phải là do cái âm điệu réo rắt, lời ca ướt
át, mà chính ở chỗ nhạc sĩ đã nói lên được nhiều nỗi buồn của lứa tuổi chúng
ta. Tuy chủ đề của dĩa nhạc là tình yêu, về mối tình đã mất hay những cuộc tình
không tên nào đó, nhưng PCĐ cũng gởi gấm nhiều thổn thức
khác về phận người, vận nước và tình hoài hương.
“Tôi có nỗi buồn không ai thấy đâu”!! Một bài của anh có lời ca như vậy,
nhưng
câu ca bâng quơ đó lại làm cho người nghe biết
nhiều hơn, thông cảm nhiều hơn. Nhạc của Pham Chinh Đông
không ủy mị. Dù trải qua nhiều khổ đau, anh không trách người hận đời, lời ca vẫn
hiền hòa như phát xuất từ một tấm lòng bao dung độ lượng. Anh cảm ơn tất cả những gì mà đời đã mang đến cho anh. Buồn vui gian khổ cũng
đều cảm ơn!! Trong bài “Tạ ơn người” có câu: “Tôi xin tạ ơn ai... đã đưa tôi vào
vùng trời.., vùng trời nước mắt có mây giăng nhiều trên đường vắng…”.
Hầu hết bản nhạc được viết theo cung trưởng,
với kết cấu tương đối bình dị hiền hòa, tiết tấu âm thanh cũng không réo rắt, mà linh
động nhẹ nhàng, do đó âm hưởng lúc nào cũng ngọt ngào, bồng bềnh, lâng lâng, lưu lại ấn tượng buồn dài man mác, khó phai mờ trong tâm thức người
nghe.
Mở
đầu bằng bài Như loài chim sơn ca, rồi Chút nắng quê hương,
Từ trong cửa lớp, Ngày của người, Chút tình xót xa và chấm dứt bằng
bài “Vẫy tay chào nhau” với nỗi buồn xa xôi vời vợi!.. Những mộng
mơ đầu đời, những kỷ niệm thần tiên, giờ như xa quá,cao quá, mất hút, như thuộc về cõi tiên xưa của một tiền kiếp. Thôi cũng đành vĩnh viễn xa nhau! Làm sao tắm được
hailần trên dòng suối tiên hoa mộng ấy! Vẫy tay chào nhau đi em! Vẫy tay chào
nhau đi em!!!
Anh
đã viết văn rất hay. Trong nhạc lời lẽ cũng thấm sâu vô lòng người. Có nhiều
khúc âm điệu thật phóng khoáng, lời ca thật thanh tao.
Anh từng sống ở Đà Lạt sương mờ, diễm ảo. Có nhiều khi tôi bắt gặp hơi nhạc Từ Công Phụng trong Chút Hương Trần Gian của anh. Có phải
những người sống nơi cảnh non bồng có tâm hồn
phiêu phiêu và cảm xúc nhẹ nhàng tương tự nhau?
Tất
cả12 bài hát có lẽ được những ca sĩ địa phương trình
bày. Xin lỗi
tôi chưa từng quen tên. Nhưng hầu hết các giọng ca rất
điêu luyện và rất gợi cảm. Thanh Hoa, Thanh Duyên, Minh
Trí, Thùy dương, Quốc Duy, Huy Thế, Ngọc Sương v.v. mỗi người một vẻ.
Tôi cũng bắt bị “cảm” mấy giọng ca này. Phạm Chinh Đông còn có được dàn nhạc thật
xuất sắc góp công thực hiện disc. Chắc phải là ban nhạc có tầm vóc. Lối chơi thật đa dạng, hòa âm tuyệt vời, bay bướm.Tai tôi nghe thấy rất nhiều
thanh âm phong phú của nhiều nhạc khí đặc biệt đã chuyên chở được mọi ý nhạc của
Phạm Chinh Đông.
Như vậy
Phạm Chinh Đông đã là một nhạc sĩ. Dầu anh không muốn nhận “danh hiệu” đó thì
anh cũng đã từng được xem là nhạc sĩ. Vì người Trà Vinh ít nghe nhạc (chắc) nên
chưa thấy đồng hương nào nhắc cho nhau biết điều đó.
Tôi không rành nhạc lắm nhưng mạo muội viết mấy dòng này
với tấm lòng, xin tránh cho tôi làm việc phê bình.
Và
cũng may thay! Nhờ một sự tiếp xúc gần hơn, chúng tôi mới biết thêm
anh đã từng sáng tác nhạc từ xưa, trước ngày oan nghiệt đổi đời.
Hồi còn là cậu sinh viên măng sữa, PCĐ có sáng tác mấy bài hát rất phổ biến như:"Trên cành cây cô đơn" sáng tác năm 1968, ký tên Phạm Ngọc Hiệp,do hòa âm Lê Văn
Thiện, Khánh Ly thu băng và Châu Hà hát trên Đài-Phát Thanh,“Chuyện Mưa Mây"(1969) mà ca sĩ Hương Lan đã hát lần đầu do ban nhac Nhã Ca
thực hiện 1970, hiện nay cũng được thu thanh trong nhiều dish qua các giọng ca
Chế Linh, Trường Vũ và mạnh Quỳnh. Bài thứ ba là “Trả Lại Người Tình",
1970, do Chế Linh ca. Bài này viết lúc anh rời thành phố để nhập ngũ Đà Lạt nên
ban sơ bản nhạc có tên là “Giã Từ Thành Phố". Bài thứ tư là “Đã
Lỡ Duyên Rồi", 1970, viết chung với Anh Việt Thanh do Thanh Phong ca.
Nhưng! Không phải chỉ có bấy nhiêu thôi. Phạm Chinh Đông, nhạc sĩ khiêm nhường
hay ẩn danh của quê mình, sẽ còn ra tiếp một CD thứ hai tại hải ngoại trong dịp
đầu năm 2008 này.
Xin
cảm ơn Phạm Chinh Đông. Trân trọng giới thiệu cùng tất cả đồng hương Trà Vinh những tác phẩm nghệ thuật quí báu. Cần có, để thưởng thức giải
khuây, để nhớ, để kỷ niệm đời ly hương và để sưởi ấm lòng nhau.
Trân trọng./.
Lâm Thanh,
Australia, ngày 29 November 2007.
******************************
Xin còn thơm chút hương trần gian
● Một mai tóc bạc da mồi
Ba mươi năm nhớ một lời biệt ly
( Ngọc Phi )
1.
Nghe nhạc, đọc thơ thường đưa người
ta về những hồi ức ở rất xa trong quá khứ. Thứ cảm gíac có thể làm sống lại cả
một quãng đời thanh xuân trai trẻ mấy mươi năm. Hôm trước, trong những giây
phút nhàn rỗi hiếm hoi của một ngày bận rộn, tình cờ tôi xem được trên truyền
hình đọan phim một ông gìa tóc bạc , một mình trong căn phòng nhỏ, trước mặt
ông là chiếc máy điện thọai mở sẵn. Ông từ từ nâng cây đàn violon, mắt nhắm
lại, rồi say sưa kéo một bài nhạc tình rất cũ, miệng ư ử hát theo những âm
thanh không rõ nét. Phía bên kia của đầu dây điện thọai, một phụ nữ tóc cũng
bạc không kém, tay đặt sát ống nghe vào tai, đôi mắt tha thiết theo tiếng nhạc,
và rồi bà cũng cất tiếng hát theo giọng vĩ cầm bên kia đầu dây. Họ là hai người
tình của nhau từ một thuở nào lâu lắm. Đời chia họ đi hai ngã. Đến lúc tình cờ
gặp lại nhau sau khi đã kinh qua mọi đắng cay ngọt bùi của cuộc đời thì họ lại
không còn trẻ nữa. Có trẻ chăng chỉ là kỷ niệm về bài hát một thời đánh dấu
những ngày họ yêu nhau và tưởng rằng không có gì có thể chia cách được tình yêu
của họ. Dầu vậy, cái giây phút mà hai người ở hai không gian khác nhau, mượn
đường truyền điện thọai để cùng sống lại với nhau quãng đời thơ mộng ấy, thật
tuyệt. Đời người trăm năm, nhưng những khỏanh khắc tuyệt vời ấy, không nhiều và
không dài.
Vài ngày sau đó, tôi nhận được CD
nhạc của một người bạn nhạc sĩ với 12 bài tình ca chứa đựng trọn vẹn những cảm
xúc của một người đã bước đi từ những ngày xanh cho đến những ngày vàng. Cuối
đời, bỗng thấy nhớ mối tình tưởng đã lãng quên từ lâu, như hai nhân vật trong
đọan phim tôi mới được xem.
Tha thiết một ngày chờ nhau tóc trắng,
ai biết một ngày chia nhau nhớ
nhung,
ai biết một ngày mình xa nhau từ
đấy.
( Nỗi buồn không thấy – Nhạc: Phạm
Chinh Đông )
2.
Tháng Hai, trời còn rét ngọt. Không
biết có phải vì thế, mà ở phương tây, người ta gọi tháng Hai là tháng của tình
yêu, của lễ hội Valentine, của những người yêu nhau, trẻ cũng như gìa. Tôi
thóang nghe lao xao các con tôi muốn mẹ chở đi mua thiệp và quà Valentine cho
các bạn học cùng lớp. Đám bạn gìa chúng tôi vốn không quen với tập quán mới mẻ
này ( dù rất đáng yêu ) nơi xứ người, nhưng món quà của người bạn nhạc sĩ quen
biết từ mấy chục năm nay của tôi, đến vào một thời điểm thật thích hợp. CD nhạc
mang cái tên như một sự tiếc nuối ( một thời đã qua ) : Chút Hương Trần Gian
.
Bắt đầu từ những thác nguồn trăn
trở, từ những đồi thông rét mướt trong sương mù Đà lạt, một cuộc tình đã đến và
rồi đã đi, sáng ngời nhưng đơn sơ như lá Mimosa, bên con dốc ngày nào còn mượt
mà dấu chân tình nhân bé bỏng. Xa lắm rồi, người lang thang góc biển , kẻ chân
mây vẫn đôi mắt trông vời .
( Lời Mở Đầu – CD Chút Hương Trần
Gian – Giọng đọc : Thọai Anh)
Quả thật, anh bạn tôi muốn mượn âm
thanh và chữ nghĩa để ghi lại những ” tâm tình từ một thời thanh xuân không
còn nữa , như một chút hương trần gian vẫn còn mãi thơm tho ” . Đã là một
thứ định luật, càng đi dần về phía cuối đường ( đời ), người ta càng ý thức
được cái ngắn ngủi , hữu hạn của trần gian. Và vì sợ rằng không còn dịp sống
lại những gì đã qua, người ta thường hay ngoái cổ nhìn lại, để tiếc nuối, để ân
hận hay để gặm nhắm chút hương vị ngọt ngào của thú đau thương. Người có tâm
hồn nghệ sĩ và khả năng trời cho như anh bạn nhạc sĩ của tôi, thì cố gắng biến
những riêng tư của mình thành những tác phẩm nghệ thuật cho đời , và cho mai
sau thưởng ngọan. Riêng tư thật, nhưng trong đó, vẫn chứa đựng rất nhiều những
cái chung . Ai mà không có một thời để yêu, một thời để hối tiếc , và một thời
ngồi nhìn quá khứ, trước khi đi vào một thời để . . . chết đang chờ sẵn. Có lẽ
vì thế mà âm nhạc, thơ phú luôn luôn có mặt trong mỗi chặng đường đời người ta
đi qua. Mỗi hai kẻ yêu nhau đều có một bài nhạc, bài thơ mà khi nhắc đến, nghe
lại, họ tưởng chừng như hơi ấm của nhau vẫn còn quanh quẩn đâu đó như thể họ mới
vừa chia tay nhau lúc nãy.
Ngày đó khi ta xa nhau, đời nghiêng
xuống những cơn mưa sầu.
Tình chia trên đôi môi khô một lần
thôi là hết.
Đời đưa ta đi muôn phương, một hôm
giá buốt len trong hồn,
đời chia như trăm con sông
( Ngày của người – nhạc: Phạm Chinh
Đông)
Tình yêu thời nào cũng có, vì người
ta không thể sống thiếu tình yêu. Tình yêu bao giờ cũng đem lại cả hạnh phúc
lẫn khổ đau, vì nếu thiếu một trong hai thứ, thì sẽ chẳng có thứ nào cho ra
hồn. Và khi khổ đau nhiều hơn hạnh phúc, người ta gọi đó là cuộc tình buồn. Và,
hình như, cuộc tình nào cũng buồn cả. Có nghĩa, ” yêu là đau khổ “, cho nên :
tôi khóc cho người một cuộc tình
buồn.
Con nuớc về xuôi thôi hết người ơi
yêu đương qua rồi lòng còn đớn đau.
. . . . . . .
Gom thời gian cho tôi tiễn người
về muộn màng.
Khi xa người không còn nụ cười từ
đó.
Từ đó người về bước chân nhọc nhằn
ăn năn lệ đời mưa xuống.
( Tôi khóc dùm người – Nhạc: Phạm
chinh Đông)
3.
Nhạc và lời của Phạm chinh Đông (
NT3 Phạm ngọc Hiệp ) mượt mà, nhẹ nhàng, không khúc mắc, không làm dáng. Anh
viết nhạc từ lúc chúng tôi còn là những chàng thanh niên ngây thơ tội nghiệp,
cầm được bàn tay một cô gái nào đó là người cứ run lên, lòng lâng lâng sung
sướng và cảm gíac lâng lâng ấy cứ theo chúng tôi vào những giấc ngủ mộng mị
nhiều tuần lễ liền sau đó. Thuở còn học trên quân trường Đại học CTCT ở Đà Lạt,
anh đã nổi tiếng với những bài nhạc tình thơ mộng và có thật của riêng anh.
Trong lúc chúng tôi bận rộn với những bài vở cho những buổi học văn hóa, hay
phờ người sau những buổi học quân sự, thì anh bạn nhạc sĩ của chúng tôi lúc nào
cũng khoan thai, nhẹ nhàng như những bài nhạc tình và mối tình của anh, vẫn cây
đàn và tập giấy kẻ nhạc. Với Phạm chinh Đông, dường như chỉ có âm nhạc là điều
anh quan tâm nhất, sau gia đình , bạn bè và những bổn phận . Và , một đặc điểm
nữa ở Phạm Chinh Đông, dù viết nhạc đã hơn 30 năm nay, dù đã trải qua trăm cay
ngàn đắng sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, từ những trại cải tạo khủng khiếp đến
những vùng kinh tế mới thiếu thốn cực khổ, nhạc của Phạm Chinh Đông vẫn chỉ là
nhạc tình. Những than van, buồn bã trong nhạc của anh cũng chỉ là về những mối
tình nay đã không còn đất sống trong một thực tại khắc nghiệt. Dường như ở
những kẻ nòi tình thì âm nhạc chỉ có một chức năng duy nhất là ca tụng tình
yêu, dù đó là tình buồn hay tình vui, tình đau hay tình chất ngất, chứ ít khi
có tình thù ( dù bị phụ rẫy , thì cũng nhẹ nhàng ” thôi em đem về đốt hết
mai sau ” -Tôi khóc dùm người ) hay tình hận. Nhạc của Phạm chinh Đông được
nhiều ca sĩ thu thanh vào Album riêng của họ, nhưng không ai để ý tìm hiểu xem
tác gỉa những ca khúc ấy là ai, dù có biết, chắc họ cũng không bận tâm hỏi anh
một tiếng, chứ đừng nói gì đến tác quyền. Vậy mà anh bạn nhạc sĩ hiền lành của
tôi vẫn không mảy may thắc mắc, than phiền. Với anh, đó không phải là điều anh
quan tâm . Vì, theo anh, những tình khúc của mình chỉ là chút hương trần gian,
nếu ai đó có lòng yêu mến, đem phổ biến chúng giữa cuộc đời thì cũng là làm
công việc anh mong mỏi : mong sao giữ được cái mãi mãi thơm tho của hương trần
gian ngắn ngủi.
Một đời thăng trầm chúng mình đã đi
qua, cách này hay cách khác mà cách nào cũng hoạn nạn nhiều hơn diễm phúc, khổ
đau nhiều hơn vui mừng. Qua đi, qua đi, những cơn mê. Tình này chồng chất lê
thê. Được, thua rồi chẳng còn gì. Chỉ còn lại là những kỷ niệm rực rỡ của một
thời thanh xuân không bao giờ tìm thấy nữa. Giờ đây, tạm yên thân nơi xứ lạ quê
người, cũng là lúc dọn mình đi xuống. Xuống một nơi bình yên nhất của một kiếp
nhân sinh phù du.
Và trên con đường buồn bã kia, chỉ có
hơi ấm ở hai bên : vợ con và bạn bè ngày cũ.
Cầu xin mọi người giữ mãi ngọn lửa
nhỏ nhoi này.
( Phạm Chinh Đông)
4.
Thi ca ( thơ và nhạc) luôn luôn là
thứ thực phẩm thượng thừa của trần gian. Nó nâng tâm hồn con người lên đến chỗ
trang trọng nhất của cái Đẹp, chỗ trường cửu nhất của cái Hữu hạn. Xưa nay, đã
có biết bao ” chàng phiêu lãng ôm đàn tới giữa đời ” (Tà Áo Văn Quân –
Nhạc Phạm Duy Nhượng ), biết bao ” con chim đến từ núi lạ, ngứa cổ
hát chơi ” ( Lời Thơ Vào tập Gởi Hương – Thơ Xuân Diệu ), vậy mà thứ thực
phẩm hảo hạng ấy dường như không bao giờ đủ cho nhu cầu trần thế . Cho nên, CD
nhạc Chút Hương Trần Gian của Phạm Chinh Đông , một tập hợp bao ao ước của một
đời loay hoay với những con chữ và những nốt nhạc, nay, trước khi thanh thản ” dọn
mình đi xuống. Xuống một nơi bình yên nhất của kiếp nhân sinh phù du ” , được
anh gời đến bạn bè vào những ngày tháng Hai buốt gía của mùa Đông xứ người, như
một đóng góp nhỏ nhoi vào việc cung cấp cho đời thứ thực phẩm hiếm quý, thứ mùi
thơm trần gian tuy ngắn ngủi mà dư hương của nó sẽ còn đọng lại mãi mãi đến
ngàn sau. Cũng vì thế, lòng tôi tràn ngập hạnh phúc khi ngồi trong căn phòng
viết ấm cúng, nhìn ra bên ngòai những lọn tuyết bay đầy bầu trời đêm trắng xóa,
với tiếng ca lời nhạc Chút Hương Trần Gian phủ kín không gian. Nhờ vậy, tôi ý
thức hơn lúc nào hết rằng trần gian này đáng yêu biết bao, đáng sống biết bao
và cũng đáng . . . tiếc nuối biết bao.
Xin được bắt chước những người trẻ
tuổi đang hân hoan mừng lễ hội tình yêu , đang tha thiết gởi đến nhau những nụ
hoa tình đẹp nhất đời thanh xuân, tôi muốn hòa giọng cùng anh bạn nhạc sĩ thân
mến nói lên lời tạ ơn Chút Hương Trần Gian.
Tôi xin tạ ơn, tôi xin tạ ơn người
cho tôi tình vui dù phút giây thôi.
( Tạ Ơn Người – Phạm Chinh Đông ).
© T.Vấn 2007
************************
PHẠM CHINH ĐÔNG,
NGƯỜI CON TÀI HOA CỦA XỨ BƯỞI.
Bằng một động tác đơn
giản mà tiếng chuyên môn gọi là “Click” và Việt Nam trong nước tạm dịch
dễ hiểu là “Nhấp chuột” vào Google Chrome và đánh máy tên Phạm Chinh Đông bằng
tiếng Việt có dấu, chúng ta “bắt gặp” Phạm Chinh Đông ngay ở Trang Nhất và rải
rác các trang sau.
Nếu đã biết bút danh
Phạm Chinh Đông (PCĐ) hay là bạn bè anh từ lâu thì không ai ngạc nhiên vì anh
PCĐ đã làm thơ, viết văn, và sáng tác nhạc từ hơn 30 năm về trước.
Cũng qua thông tin từ
nguồn dẫn trên, từ nhiều Web, chúng ta lại biết thêm, PCĐ là người mang 50%
dòng máu từ Xứ Bưởi Biên Hòa với Cha sinh ở miền Bắc và Mẹ là người ở đầu cầu
Rạch Cát (Biên Hoà). Có lẽ sông Đồng Nai cùng bưởi ngọt đã tắm gội cho tâm hồn
anh một hương hoa đặc biệt nên những sáng tác của anh đậm chất quê hương và
mang mùi hoài cổ.
Trong một chi tiết
khác, anh PCĐ đã cho ta biết anh là Cựu học sinh Ngô Quyền (Biên Hoà) mà người
Thầy anh còn nhớ là Thầy Phiên. Đó là một ký ức quý báu về nơi mà anh đã học
tập, lớn lên và được hình hình thành một nhân cách.
Tôi chưa có dịp đọc hay
nghe hết những tác phẩm của anh, nhưng qua vài tác phẩm đã có dịp thưởng thức,
tôi cảm nhận ngay, bằng cảm xúc đời thường của mình, Tác giả PCĐ còn nặng nợ
với quê hương và bạn bè cũ nhiều lắm vì đâu đó vẫn lãng vãng hình bóng cũ trong
các sáng tác của anh.
Với Văn, qua “Quê Nhà”,
dù anh đã đổi tên nhân vật trong truyện, nhưng nếu ai tinh ý sẽ thấy một PCĐ
rõ nét hơn với Cù Lao Phố, nơi thân thiết không thể bỏ qua khi nhắc tới
Biên Hòa.
Với Thơ, bài “Hương Cũ”
với giọng ngâm truyền cảm lạ lùng của Hương Trinh (được giới thiệu là người bạn
đời của anh), chúng ta thấy cả một trời quê hương mà tác giả mang theo mình
trên bước đường khó khăn nơi đất lạ .
Với Nhạc, qua các CD “
Bóng Mây”,” Chút Hương Trần Gian ”,” Tâm Tình Để Lại” và vài bài nữa, PCĐ đưa
ta về khung trời kỷ niệm cũ qua nốt nhạc và lời nhạc bình dị, trong sáng:
muợt mà mà không ủy mị, đau thương mà không tiêu cực, khổ đau mà không hận thù
gai góc.
Những bản nhạc với âm
giai Thứ đưa người nghe gần lại với cảm xúc chân thật hơn.
Chúng ta chào đón PCĐ
hôm nay như dang tay đón người con, người thân, bạn bè … của Biên Hòa và
Đại gia đình Ngô Quyền đã đi xa, mới trở về, đã cách lâu, nay mới mừng gặp lại.
Xin giới thiệu anh PCĐ
lần này với vai trò nhạc sĩ qua ca khúc “Nỗi Niềm” viết về Cha đầy tình cảm
chân thật, chứa chan trong nhiều ca khúc như anh đã viết qua Blog cá nhân:
“NHỮNG NHẠC KHÚC VIẾT BẰNG TÌNH THƯƠNG CÓ THẬT”.
(xin xem thêm về PCĐ
qua Web: t-van.net/nhac hoặc qua www.phamchinhdong.blogspot.com)
TRẦN NGỌC DANH
(Cựu Học Sinh Lớp Đệ
nhị C, năm 1966, Ngô Quyền)