Quê
Hiệp ở Cù Lao, Biên Hòa. Quê vợ hắn ở Long Vĩnh, Vĩnh Bình, bây giờ gọi là Trà
Vinh. Thật tình Hiệp không biết nhiều về quê hương Biên Hòa của mình vì tuổi
nhỏ của hắn được lang thang theo bước chân công vụ của người cha, đến khi vừa
đủ lớn trở về thì lại quay quắt với việc học hành ở Sài Gòn, và cuối cùng, lúc
vừa biết thế nào là quê nhà thì cũng vừa tình nguyện đi làm lính. Ra trường
được 2 năm, nước mất, Hiệp vào tù, như mọi người. Sáu năm sau, được thả, gia
đình cha mẹ đã bị đưa đi kinh tế mới Xuyên Mộc, Đồng Nai, Hiệp đành về ở quê
vợ.
Hắn
là con trai trưởng trong nhà, gọi theo miền nam là thứ hai. Như vậy rõ ràng hắn
phải là Hai Hiệp nhưng không hiểu tại sao già trẻ lớn bé nơi quê vợ đều gọi hắn
là Năm! Dượng Năm, Chú Năm, Anh Năm… A, vợ hắn có cái tên cúng cơm rất dễ chịu
là Huỳnh Thị Bé Năm, chắc họ tưởng cô nàng thứ năm nên gọi theo thứ của vợ? Mà
cũng không được, hết cái làng nhỏ xíu này, đầu trên xóm dưới ai cũng có dây mơ
rễ má với nhau, không bà con gần thì cũng họ hàng xa (dĩ nhiên cũng có một mớ
bà con đầu ông trời), chẳng lẽ người ta không biết vợ hắn là đứa con cu ky của
ông bà Năm Cầm? A, hay là chơi theo kiểu cá kèo một lứa đây? Ông bà già vợ thứ
Năm, con vợ tên là Năm vậy thì dện cho thằng rể một cái thứ Năm cho êm? Để rồi tự
nhiên hắn trở thành Năm Hiệp một cách vui vẻ, thỏa thuận. Bằng chứng là không
bao giờ nghe ai đó kêu Dượng Năm, Anh Năm…mà hắn lại tưởng họ đang gọi một tay
nào đó không phải là mình.
Quê
vợ Năm Hiệp nghèo lắm và tăm tối lắm. Kinh rạch chằng chịt khắp nơi, rừng cây
mắm, cây giá, chà là, dừa nước chập chùng. Nhà cửa sơ sài rải rác bám theo con
lộ đất duy nhất chạy dài xuống mé biển âm u. Đó là gân đất nổi, gọi là giồng,
dài và mỏng như một ngón tay ốm. Xa con lộ hơn 2 công đất là đất thấp, nước mặn
xâm xấp với đủ các loại cây hoang. Muỗi mòng xụp tối đã bắt đầu xôn xao dậy ổ.
Đầu làng cuối xóm hun khói đuổi muỗi mịt mù. Có nhà hun bằng con cúi rơm. Có
nhà hun bằng phân bò, mùi khói hăng hăng nhưng sao thân thiết lạ.
Túng nghề kiếm sống, ngoài nghề làm
mướn bá nạp, vợ chồng Năm Hiệp mở tiệm bán quán. Nói nghe ghê gớm, thật ra cũng
vẫn cái chòi lá đang ở, rọc cửa sổ dài thêm ra, kê thêm sát cửa sổ đó một miếng
ván cũ đặt trên bốn nống cây chà là chôn dưới đất. Và chỉ vớ vẩn không hơn mươi
món hàng. Nếu cần kể ra chi tiết thì đây là những món hàng ấy: mía chặt khúc,
đường cát, bột ngọt, dầu lửa, hành, tỏi, nước tương, bánh, kẹo, thuốc hút, rượu
đế. Hết! Đường, bột ngọt, bánh thì bỏ vào bọc mủ, hàn miệng, treo lỏng nhỏng
phía trong cửa sổ mà biết bao lần những con mắt trẻ nhỏ đứng ngoài thèm khát
nhìn vào. Để cho ai đó chợt nhớ thầm về một thời thơ ấu no đủ, cưng chìu của
mình, và đôi lần ngăn không được nỗi xót xa, Năm Hiệp đã lén vợ cho mỗi đứa một
cái bánh.
Những
hôm đó, hắn tự an ủi rằng đi buôn bữa lỗ, bữa lời thì cứ coi như là bữa lỗ, có
sao đâu! Mà thật ra lời lóm gì với không hơn mươi món hàng như thế. Cứ chịu khó
ngồi tính nhẩm, tối đa một món lời 1 đồng thì sẽ lời được bao nhiêu?! Khách
hàng quanh đi quẩn lại cũng chừng đó khuôn mặt xóm chòm. Năm khi mười thì mới
có một tay đi ngang ghé mua vài điếu thuốc lẻ. Thấy con Ba Liêm thấp thoáng đầu
ruộng, ở đây mẹ con đã sẳn sàng dầu lửa, chai đong. Thấy con Bảy Nó rề rề đi
tới thì chắc mẻm là mua mỡ nước và vài viên kẹo công lao. Có lần mẹ nó chạy tới
mắng vốn - bán gì mà mắc quá vậy, 200 đồng mỡ chỉ có chút xíu đây sao? Hỏi tới
hỏi lui, hóa ra con nhỏ vừa cầm về vừa uống. Còn chút xíu đó là may rồi! Còn
khách rượu thì cũng lòng vòng mấy ông anh em bà con, xa gần có đủ. Quán vốn nhỏ
nhoi mà mấy cha thì quen tay ghi sổ, trả chậm mua nhanh. Thỉnh thoảng xỉn quá
nên quên, nói quán ăn gian ghi thêm ghi bớt, rồi cãi lộn mà trừ! Chán quá, Năm
Hiệp nói, thôi dẹp mẹ nó đi cho khỏe. Bé Năm thì kiên nhẫn có thừa. Có lẽ sáu
năm nuôi chồng ở tù Cộng Sản đã dạy cho cô nữ sinh thơ ngây ngày nào trở thành
một người đàn bà quán xuyến và cam chịu mọi điều. Nàng nói:
-Ráng
bán bậy bạ để khỏi mua bột ngọt, dầu lửa vậy mà! Anh chịu khó đi làm mướn như
mọi ngày còn quán để cho mẹ con em, từ từ rồi tính.
Tôi
nghĩ như vậy cũng ổn rồi. Bán mà như không bán thì cũng được cái vui nhà vui
cửa. Nhất là cho bé út Tường Vi, đứa con cầu con khẩn, mới biết bò, thỉnh
thoảng vớ được nguyên cái bánh in nhai nhả lung tung!
Ở
ấp kế bên có nhà chú Chín Dứt. Người con thứ hai học ở Cần Thơ, không biết
nghiên cứu ở đâu trở về khai trương nghề làm bia chai. Bia không tên, không
nhản, chỉ là một chất nước màu vàng đựng trong vỏ bia thiệt mua từ những chành
ve chai ở trên thị xã. Uống vào không đâu ra đâu nhưng nhậu một hồi cũng có tay
quay mòng, quậy dữ. Mọi người gọi là bia khùng. Bia được chế biến ẩu tả hay bia
làm bợm nhậu khùng điên, nghĩa nào cũng được. Nhờ những mống ham vui, thích lạ
nên bia khùng cũng phổ biến một thời. Quán nghèo Năm Hiệp từ đó có thêm món
mới. Và cũng từ đó, khách rượu ghi chịu nhiều hơn, cãi lộn trừ nợ nhiều hơn.
Rồi sập tiệm! Rất êm đềm, không thương tiếc gì cái ngử đó.
Dòng
họ, bà con ở kế kế nhau. Sát một bên hướng mặt trời mọc là nhà Mợ Chín. Cậu
Chín đã hy sinh lúc làm Xã Trưởng thời Việt Nam Cộng Hòa. Ngày đó Hiệp là tên
Thiếu Úy mới ra trường, cậu Chín chưa là cậu vợ. Bởi không biết uống, Hiệp ngây
thơ dứt khoát từ chối ly rượu mời nên ông Xã Trưởng hiểu lầm anh chàng này
phách lối, giận không thèm nhìn mặt một thời gian. Đến khi hai bên vừa thông
cảm nhau thì ông mất. Và không ngờ, sau này ông trở thành cậu vợ dù đã không
còn. Mợ Chín ở với đám con. Lần lần, đám con lấy vợ, theo chồng tứ tán khắp
nơi. Cuối cùng, Mợ ở với thằng con út, Út Làng. Mợ khóc lên khóc xuống vì ông
quý tử này. Làm biếng như tinh, ăn nhậu quá siêng. Ngày Út Làng mới lớn, Mợ cho
lên Tây Ninh học nghề thợ mộc với người anh rể. Được gần một tháng, Út trồi đầu
về, ốm nhom. Mợ xót xa thương thằng con học hành cưa, bào, đục, đẻo cực khổ nơi
xứ lạ quê người. Hỏi làm được gì rồi? Út nói tỉnh bơ, mắc nhậu xuyên suốt nên
làm gì được! Đến bây giờ, Út cũng không khá hơn. Chỉ có cái bụng thì càng ngày
càng lớn và da dẻ thì càng ngày càng xanh mét ra. Chắc Út đang tiếc không học
cách đóng quan tài cho đẹp để hy vọng bỏ công ăn học chuyến này.
Cách
nhà Mợ Chín một đỗi là nhà Ngọc Anh. Anh chàng này thời Việt Nam Cộng Hòa đi
lính quân dịch. Bây giờ đánh bạc tối ngày. Gặp những hôm sòng bài bị động ổ,
anh chàng ở không, qua nhà Năm Hiệp uống trà, nói chuyện trời trăng. Hỏi, sao
không ráng cho sắp nhỏ đi học? Anh chàng đáp:
-Tui
cũng học vậy! Lớp 12 trường Bồ Đề, Trà Vinh, chớ bỏ sao! Nhưng học rồi, được
cái gì? Hồi xưa, sĩ quan hay lính lác gì cũng đưa lưng trâu cho mấy thằng
tướng, tá làm giàu, mình bỏ xác đầy đồng, què chân cụt tay, có ai thương không?
Đến khi thua trận, đến thằng tổng thống còn ôm tiền dông trước thì nói chi đến
đám tướng lãnh ăn theo. Tui nhờ đem cái bằng vất đi, trốn lính rồi bị bắt quân
dịch nên không bị ở tù. Bây giờ, có học cũng không qua nổi cái cửa lý lịch, bè
đảng. Nghĩ đời thấy chán, học để làm gì. Bài vở, thầy cô, bận bịu suốt mười mấy
năm trời, sao không nhởn nhơ như cỏ cây, đách thèm học gì hết, có ai chết vì
ngu đâu?
Thì
ra vì thế Ngọc Anh chán đời mới đi đánh bạc! Vợ con đùm túm nheo nhóc nuôi
nhau. Hai đứa con trai, tên nghe mắc cở, thằng Cu và thằng C., nhưng hiếu thảo
vô cùng, suốt ngày lặn lội đầu mương cuối bãi chài tép, câu cua về cho mẹ bán.
Tư Ngọt, người mẹ, ốm cao lỏng khỏng như con cò. Có lần Tư Ngọt và Bé Năm trong
mùa lúa đổ, mỗi người đều nuôi một bầy vịt con khoảng hơn hai chục. Một đêm,
bầy vịt của Bé Năm không tự ên về nhà như mọi khi. Quanh khu này chỉ có hai
người này nuôi nên Bé Năm chạy qua nhà Tư Ngọt tìm vịt. Mẹ con Tư Ngọt khăng
khăng không biết, không có, không thấy. Vịt con giống hệt như nhau, Bé Năm đành
bó bụng chạy về. Suy nghĩ một hồi, cô nàng chạy lên vấn kế cậu Ba Dùng, một tay
nuôi vịt mà nên nhà nên cửa. Ba Dùng cười sằng sặc:
-Có
gì đâu, ngày mai mầy ráng giữ không cho nó lùa về chuồng. Về chuồng nó cho ăn,
vịt no không thèm về nhà kiếm bữa ăn thêm đâu.
Sáng
hôm sau, Bé Năm và thằng con lớn thay phiên nhau canh chừng bầy vịt đang lăng
xăng dưới ruộng. Cứ thấy bóng thằng Cu, thằng C. đứng trên bờ ruộng thì mẹ con
vội vã chạy ra, sẳn sàng. Ai dè hai ông nhỏ chỉ đứng dòm coi bầy vịt ở đâu rồi
đi trở vô. Qua xế chiều, bầy vịt tự nhiên đi hết lên lộ cái, láo nháo một chặp
rồi tẽ làm hai, bầy nào về nhà nấy. Bầy về nhà Bé Năm lại dẫn thêm một em vịt
đèo lù khù lờ khờ của nhà Tư Ngọt. Tức khắc, thằng Cu chạy qua, nói:
-Má
con biểu qua coi có lộn vịt bên cô Năm không.
Bé
Năm bắt con vịt đèo trả cho nó. Không bao lâu, thằng Cu lại xách vịt chạy qua:
-Má
con nói không phải con này, vịt của con mập hơn.
Bé
Năm bực mình, kêu Tư Ngọt qua, nói rằng:
-Hôm
qua cả một bầy mợ mầy không biết con nào của mình nên không thấy bầy vịt của
tui nhập bầy trong đó, vậy hôm nay tại sao lại biết rành con ốm, con mập? Hay
là muốn tui đem chuyện này nói cho xóm làng mỗi người nghe một chút?
Mẹ
con Tư Ngọt cứng họng, xách vịt trở về. Năm Hiệp an ủi vài câu cho Ngọt bớt
ngượng. Tội nghiệp, chỉ vì dân quê ít học đó thôi. Ít lâu sau, Ngọt trổ bịnh
lao. Nhưng quyết chí nằm chịu vì...sợ nhà thương, sợ uống thuốc! Cuối cùng,
chịu không nỗi, chết tươi. Ngọc Anh về sau rửng mỡ, cưới một chị lỡ thời trong
xóm, làm đám cưới đàng hoàng, rình rang. Có kêu thợ chụp hình. Ngồi ôm nhau
dưới bụi cây ven đường cho thợ chụp lấy hình kỷ niệm. Lo cười cho tươi, lo ôm
cho gọn đến hồi nhảy dựng, moi móc lung tung mới hay là đã ngồi ngay trên ổ kiến
lửa! Có điều ly kỳ, từ đó Ngọc Anh bỏ đánh bài, chí thú làm ăn. Và nâng niu bà
vợ mới.
Năm
Hiệp vẫn tưởng là tên cô thân độc nhất nơi xứ vợ, không ngờ cũng có dượng Năm
Úc làm bạn cùng xuồng. Quê dượng ở đâu đó bên Bến Tre. Những hôm trời lạnh, mưa
phùn, dượng ngồi trong chòi uống trà, hút thuốc, đôi mắt mờ đục u buồn. Dượng
nói nhớ quê, mấy chục năm rồi không trở lại. Không hiểu vì sao ngày đó dượng
lưu lạc đến nơi này để rồi phải bó chân như vậy. Chỉ biết vợ con của dượng
không lo lắng, săn sóc dượng đầy đủ, đàng hoàng. Nghe nói hồi còn trẻ, dì Năm
hỗn hào, chửi rủa chồng suốt ngày. Tức mình, dượng lập kế chèo xuồng đưa vợ đến
một khúc mương vắng rồi đập cho một trận quá tay. Đã vậy còn hăm vụt vợ xuống
sông cho chết. Bà vợ kẹt cứng trên xuồng, không có đường chạy phải lạy xin tha.
Có phải từ đó đã bắt đầu một mối hận thù? Hay là duyên số an bài như thế? Dượng
ở luôn trong chòi giữ xà ngôm giữa đồng, ăn uống tự nấu lấy, mỗi ngày dầm mưa
dãi nắng bồi thố ruộng tôm không cho lở, mội. Đến con nước có tôm, có cua,
dượng đem về cho vợ con bán lấy tiền. Cực khổ và thiếu thốn nên dượng ốm nhom
như con khỉ già. Dì Năm Úc tối ngày đem bánh trái, cơm nước cho mấy ông thầy
chùa. Mấy người con ra riêng từ lâu, năm khi mười thì về thăm giây lát rồi đi,
không để tâm chuyện cực khổ của cha.
Còn
ở trong nhà là cô con út, tuổi vừa trăng tròn. Dì Năm lo xa, đôn đáo tìm rể vì
sợ cô út ế chồng. Thấy anh chàng con nhà chú Chín Dứt bỏ bia khùng cho các quán
mỗi ngày chạy xe đạp chở bia qua lại, vừa đẹp trai, vừa lo làm ăn, vừa mới ly
dị xong, dì Năm bỏ công vài bữa cuốc bộ bốn, năm cây số đến nhà chú Chín cho
này, cho kia, nói kia, nói nọ. Dĩ nhiên là tiền mất tật mang, không ăn thua gì.
Lúc đó lại có một tay thợ hồ ở quận khác, Cầu Ngang, xuống làm mướn, thấy rồi
thương, xin cưới cô út. Dì Năm chê hắn nghèo, không chịu. Cuối cùng, theo lời
mai mối, gả về làm dâu nhà tên cán bộ huyện nào đó đã về hưu. Tưởng ấm êm phận
gái, ai ngờ gặp chỗ cũng ngang ngửa với tay thợ hồ. Thì ra chỉ có cái mã. Nên
cô út xác xơ như giẻ rách, vài tháng chạy về khóc lóc, thở than với mẹ. Dì Năm
buồn lòng, đi chùa thường hơn. Rồi một ngày, thằng nhỏ đi chài chạy vào mếu máo
cho hay dượng Năm nằm chết lạnh ngoài chòi. Năm Hiệp đứt từng khúc ruột dù thật
sự chỉ là người dưng. Nơi này không đãi ngộ dượng thì cũng đành thôi, biết sao
hơn?
Và
hình như nơi này cũng ít khi đãi ngộ những kẻ phương xa thì phải. Anh chàng
Ngưu ở Bến Giá mua dàn gánh cải lương đem về hát kiếm lời. Mỗi đêm diễn tuồng,
bán vé được nhiều hay ít thì Ngưu cũng phải trả cho gánh hát một số tiền thỏa
thuận nào đó, lời ăn lỗ chịu. Nhìn đoàn văn nghệ bình dân này đã thấy thảm. Vải
bạt quây kín phân nửa nhà lồng chợ làm chỗ ăn ngủ, tập tuồng. Phía ngoài, sát
vách là nồi niêu, soong chảo, thùng lớn, thùng nhỏ, đủ mọi thứ trên đời. Ban
ngày, kép, đào, công nhân, người đu đưa trên võng, người ngồi dưới ghế cho con
bú, người cười giỡn lao xao, người cãi lộn, chửi thề um sùm. Những gánh không ai
mua dàn, bữa nào hát khá thì còn êm ả, bữa nào hát ế thì cãi nhau rân trời, có
khi đánh nhau đùng đùng rồi rã gánh, mạnh ai nấy đi. Có khi gặp mùa lúa, kép
chánh, kép phụ cũng xúm nhau đi nhổ mạ mướn kiếm chút tiền về xe. Chắc sẽ bỏ
nghề?
Gánh
này Ngưu mua nên có vẻ yên chí. Đêm đầu khách coi cũng đỡ. Chỉ có vải bạt quây
quanh nên cũng có một mớ con nít lòn vào. Khách coi già trẻ ngồi hết dưới đất,
vừa coi vừa gãi rồn rột vì muỗi đầy trời. Con nhỏ cháu Bé Năm, mẹ mới đi Trà
Vinh mua cho đôi dép Nhật, hí hửng mang dép mới đi coi. Hề chọc cười nhắm mắt,
nhắm mũi, đến khi vãn hát, mở mắt ra về thì đôi dép ai lấy mất tiêu. Đành thất
thểu đi chân không mà về. Cười mất dép là vậy đó!
Bắt
đầu từ đêm sau, khách thưa dần. Qua đêm nữa, gần nửa đêm Ngưu chạy đến nhà Năm
Hiệp hỏi mượn chiếc xe đạp. Năm Hiệp sẳn sàng nhưng cũng thắc mắc:
-Đi
đâu giác này, bộ có gì gấp?
Ngưu
cười nhăn nhó :
-Sao
mà không gấp, phải dọt lẹ nếu không chúng tới cào đầu. Lỗ quá sá, không đủ tiền
chung!
Và
Ngưu đạp như bay. Bến Giá còn xa hơn 12 cây số và cách một con sông rộng. Ngày
hôm sau, Năm Hiệp đi lấy xe, tình cờ thấy ghe gánh hát dọn đi đang ghé nghỉ ở
khúc sông đó.
Bây
giờ, vợ chồng con cái Năm Hiệp cù bơ, cù bất ở đây. Nhìn quanh nhìn quất không
một người bà con, dòng họ. Quê nhà đã xa nửa vòng trái đất. Những vui, những
buồn chỉ còn là lãng đãng nhớ thương. Nhớ từng nơi, thương từng người, dù xấu,
dù tốt. Như vết thương trầm, như người tình phụ, quê nhà nhói hoài những cơn
đau vật vã trong lòng người. Và ước mơ sẽ có một ngày về lại quê xưa, khóc cười
trên những bước chân qua. Thế thôi ■