Lẩm rẩm, tôi làm việc cho nhà bà Liz
gần được 6 năm. Công việc cũng giản dị thôi: lau dọn mọi thứ trong nhà mỗi tuần
một lần.
Bà
chủ nhà người Mỹ này cũng khá đặc biệt. Ngay từ những ngày đầu nhận việc, bà tỏ
vẻ hài lòng khi tìm được một người giúp việc có gốc Á Châu và kể cho tôi nghe
rằng ông bố của bà ngày xưa là một viên chức ngoại giao làm việc ở Đài Loan.
Ông đem cả gia đình theo qua ở đó trong suốt thời gian phục vụ, vì thế bà Liz
tuy sinh ra ở Mỹ nhưng đã lớn lên và học hành tại Đài Loan. Khi bà đang học
Trung Học ở trường Taipei American tại Đài Bắc thì ông bố đến tuổi về hưu nên
sau đó, cả nhà trở về Mỹ, sinh sống trong một quận nhỏ của tiểu bang
Pennsylvania, là nơi chôn nhau cắt rún của ông.
Từ
đó, bà tiếp tục việc học. Đến khi tốt nghiệp Y Tá, bà đi làm ở một nhà thương
trong thành phố Philadelphia. Và chính nơi này, Ralph, một tay bác sĩ mới ra
trường đã sa vào đôi mắt màu xanh ngọc thạch của bà! Họ có với nhau hai cô con
gái. Cả hai cô đều yên ấm chồng con. Cô em ở gần đây. Cô chị ở tận Colorado,
thỉnh thoảng đưa con về thăm ông bà ngoại. Hai ông bà già vẫn sống hạnh phúc
bên nhau mãi đến ngày hôm nay. Ông hiện giờ đã hơn 70, là một y sư nổi tiếng về
khoa trị liệu bịnh phong thấp của trường đại học y khoa Penn, mỗi năm đều được
mời đi giảng thuyết tại nhiều nơi trên thế giới. Tuy vậy, cả tháng vừa qua, ông
Ralph phải chống tó vì cái đầu gối sưng chù vù. Chắc là bị tổ trác! Bà Liz, sau
khi sinh đứa con đầu lòng thì bỏ nghề y tá và xoay qua mở tiệm bán vật liệu
kiến trúc vườn tược. Có lẽ nghề này làm ăn được nên vẫn còn hoạt động cho đến
bây giờ. Mỗi năm, ít nhất một lần bà đi nước ngoài, thường là các nước Á Châu,
để thu xếp việc hàng họ.
Tiệm
của bà có đủ thứ, từ những bức tượng bằng xi măng, bằng kim loại nặng hằng trăm
ký, những chậu kiểng, lộc bình bằng gốm lớn nhỏ đến những đồ nho nhỏ trang trí
ngoài trời như con cóc, con gà này kia... Có lần, bà Liz biểu tôi đến tiệm quét
dọn một bữa, tôi mới thấy được chuyện mua bán của họ lớn lao như thế nào. Hàng
họ để lủ khũ trong nhà, thiếu điều không có lối mà đi. Đã vậy, còn để đầy hết
cái sân không phải nhỏ. Nhân viên khỏang 4 người. Hai bà thư ký, một cô bán
hàng và một ông chạy việc linh tinh. Ai cũng bận rộn, lăng xăng trong khi khách
hàng không thấy mấy người. Hôm ấy, từ sáng tới quá trưa, tôi thấy chỉ có vài
người khách đến ngắm nghía cả giờ đồng hồ, rồi cuối cùng chỉ có một bà hỏi mua
2 con ếch! Chính bà chủ Liz vui vẻ, huyên thuyên, gói hàng đưa cho khách chớ
không nhờ đến chị nhân viên bán hàng. Tôi thầm nghĩ “thiệt tội, mỗi ngày chỉ
bán được hai con ếch, làm ăn kiểu này chỉ có nước chuẩn bị đi trốn là vừa!”.
Hóa ra, tại tôi dốt quá nên không biết đại đa số khách hàng đều mua theo kiểu
đặt hàng bằng điện thoại hoặc bằng mạng lưới toàn cầu đó thôi. Bởi thế, bà Liz
đã không phải đi trốn mà còn dư sức mướn tôi hằng tuần lau dọn nhà cửa cho bả!
Làm
việc được hơn nửa năm, có lẽ nhận thấy tôi có thể tin được, bà Liz giao chìa
khóa nhà cũng như mật mã giãi tỏa hệ thống báo động trong nhà để tôi tự mở cửa
khi đến và gài lại hệ thống báo động khi ra về. Tôi không thích thú gì chuyện
dễ dãi này, nhất là những khi bà đi nước ngoài. Dù đi vắng lâu, bà vẫn yêu cầu
tôi làm việc như thường lệ. Những khi ấy, hình như chỉ có tôi là người ra vào
ngôi nhà đó. Tôi cứ lo ngay ngáy, lỡ như khi xong việc, tôi về rồi, có tên trộm
nào đó viếng qua đây hoặc bất ngờ điện chạm, gas xì gây cháy nhà thì làm sao chứng
minh được mình không phải là thủ phạm? Có lẽ nhờ tổ độ (?), đến nay vẫn không
có gì xui xẻo xảy ra. Cái nghề lau dọn này thấy đơn giản nhưng không phải dễ
dàng đâu.
Một
lần nọ, bà Liz buồn bã nói :
-
Tôi không có ý nói chú nhưng không hiểu tại sao, cái vòng tay của tôi bị lạc
mất ở đâu rồi. Vậy chú ráng để ý mấy nơi hóc kẹt,coi có nó không, lượm lại dùm
tôi.
Bà
chỉ nói nhẹ nhàng thế thôi nhưng lòng tôi xốn xang, đứng ngồi không yên. Cái
vòng tay bằng vàng khảm nhiều hạt kim cương lóng lánh đáng giá hằng mấy chục
ngàn thường ngày để ngay ngắn trên mặt bàn trang điểm kia bị mất rồi sao? Nơi
phòng ngủ riêng tư này, ngoài hai ông bà Liz ra, có lẽ chỉ có tôi ra vào mà
thôi. Vậy, nếu tôi không lấy thì còn ai vào đây? Vốn là người tuy ít chữ nghĩa
nhưng biết nhiều phải trái, hơn nữa, nơi xứ sở tạp chủng này, phần nào cũng tự
dưng đại diện cho người Việt Nam, tôi không thể làm những điều nhơ nhuốc để
người dị chủng khinh thường. Tôi mãi mãi tự hào về đất nước tôi, Việt Nam, một
quốc gia nhỏ bé và nghèo đói nhưng đã có những con người siêu việt. Lịch sử cho
thấy mới chân ướt chân ráo, người Việt đã góp mặt ở mọi lãnh vực trong chính
quyền hoặc xã hội xứ người. Người Mỹ phải cung kính trước Dương Nguyệt Ánh, một
người đàn bà Việt Nam đã chế tạo được bom áp nhiệt, loại bom có sức công phá
mạnh nhất, cho đất nước họ. Và còn nhiều nhân tài khác nữa, rất tiếc, tôi không
biết hết. Tôi vì thời thế trở thành nửa thầy, nửa thợ nên yên phận làm kẻ lau
nhà nhưng không phải vì thế mà bỏ quên nghĩa vụ giữ gìn danh thơm nòi giống.
Làm sao diễn tả được cái cảm giác tự hào lâng lâng, lãng đãng khi tôi thấy trên
đầu giường của bác sĩ Ralph, chồng bà Liz, cuốn sách triết học “Old Path White
Clouds” do một nhà sư Việt Nam viết. Bỏ qua phần đời của nhà sư đó, tôi chỉ
thấy vô cùng sung sướng khi giới trí thức Mỹ vốn rất ít thì giờ rỗi rảnh cũng
phải để tâm nghiên cứu tư tưởng phần đạo của một đồng bào của tôi.
Bây
giờ, trước sự việc cái vòng tay đắt giá của bà Liz bị mất, tôi thật sự hoang
mang. Tôi hì hục tìm từng gầm giường, góc tủ, từ lầu trên xuống tận tầng hầm,
mệt nhừ tử, đổ mồ hôi trán mà vẫn không thấy gì. Tuần lễ sau, tôi lại hì hục
tìm nữa và kết quả cũng không thay đổi. Thế mới chết chứ!
Bà
Liz ôn tồn:
-
Chú đừng lo. Tôi tin lòng thành thật của chú mà.
Nói
thì nói vậy, làm sao không lo cho được? Cứ bước chân vào nhà, trong lòng tôi tự
dưng có điều gì ray rứt không yên.
Hơn
một tháng sau, bà Liz đi Florida mừng sinh nhật lần thứ 95 của mẹ. Bà cụ ở một
mình trong căn hộ nhỏ do một công ty săn sóc người già quản lý. Có lần, tôi đã
hỏi bà Liz tại sao lại để mẹ sống côi cút như vậy, chớ người Việt Nam thì phải
có bổn phận nuôi dưỡng cha mẹ già trong chính nhà mình. Bà nói, người Mỹ vốn
thế, già rồi sống một mình thoải mái hơn và cũng không làm mất tự do của các
con. Thế mới biết người Mỹ yêu chuộng tự do đến nhường nào.
Đi
Florida về, bà Liz hớn hở báo tin cho tôi biết bà đã tìm được chiếc vòng tay
trong nhà mẹ của bà! Chuyến thăm trước, bà đã để quên ở đó.
Lần
ấy, chắc chắn người vui mừng nhất không phải là bà Liz.
Bỏ
nghề y tá để xoay qua mở tiệm bán vật liệu kiến trúc vườn tược có lẽ một phần
cũng do lòng yêu thích vườn tược của bà. Phía sau nhà không hơn 3 thước là một
chân đồi dốc dựng. Vậy mà bà Liz cũng xoay xở thực hiện được một khu vườn trên
đó với kỹ thuật bậc thang. Tất cả là 5 bậc. Mỗi bậc trình bày một chủ đề. Hoa
thơm, cỏ lạ là đây. Xen vào là những ao cá, suối nước nhân tạo, thảm cỏ xanh
rờn. Đặc biệt nhất, theo ý tôi, là một cái thảo am theo kiểu Trung Hoa có băng
ghế ngồi nghỉ chân và gần đó là cái bàn thiên cũng có bình nhang và dĩa trái
cây bằng đá.
Mỗi
ngày đi lên đi xuống ngắm cảnh, thưởng hoa chắc khỏi cần tập thể dục! Năm
trước, một tay cắt cỏ tập thể dục được vài lần thì bỏ việc. Qua năm sau, một
tay khác tưởng bở, kéo máy lên cắt được một lát rồi mặt mũi chỏm lơ, mồ hôi đầm
đìa, kéo máy xuống...dông luôn! Hiện giờ đang có một tay chịu đấm ăn xôi nào đó
cũng ạch đụi hằng tuần, không biết đến chừng nào thì chạy làng?
Dưới
con mắt bịt bạc của tôi, cái vườn này chẳng có gì quá đẹp. Chỉ tổ mỏi chân, mất
sức! Nhất là vào mùa đông băng giá, ngòai vài lọai cây chịu lạnh còn giữ được
chút ít màu xanh , còn lại bao nhiêu đều lá trụi cành trơ nên khu vườn có vẻ
quá sức xơ xác tiêu điều. Vậy mà nó lại được xếp vào danh mục 100 Vườn Đẹp Nhất
Nước Mỹ, có sách, có hình ảnh đàng hoàng. Mỗi năm đều có một, hai chuyến xe
Greyhound đưa khách khắp nước ghé qua tham quan, quay phim, chụp hình.
Đêm
qua, bà Liz bất ngờ gọi điện thoại cho tôi. Tôi cũng hơi lo vì từ xưa đến giờ,
ít khi bà gọi như vậy. Hóa ra, bà cho tôi hay:
-
Ngày mai, tôi phải đi đột xuất xuống Florida. Bà cụ trở bịnh thình lình. Kẹt
một nỗi là ngày mai có mấy người thợ sơn đã hẹn đến làm việc trong vườn. Họ là
9 người, chú cứ yên tâm cho họ vào nhà nếu họ cần đi vệ sinh này kia. Chú nhớ
nói với họ rằng tôi thành thật xin lỗi khi không thể ở nhà như đã hẹn. Và cũng
đừng quên đem cho họ xem bức hình chụp khu nhà này lúc mới dọn về.
Sáng
hôm sau, tôi đến làm như thường lệ và cố không quên những gì bà Liz dặn dò.
Khoảng 9 giờ sáng, chuông cửa reo. Tôi chạy ra, đinh ninh 9 người thợ sơn đã
tới. Ai dè, chỉ có 1 bà già, ăn mặc khá tươm tất.
Bà này nói :
- Tôi là Jane. Bà Liz có ở nhà không hả chú?
Tôi đáp :
- Thưa, không. Bả khẩn cấp đi Florida thăm bà mẹ bị bịnh
rồi. Xin lỗi, có phải bà là thợ sơn?
Bà Jane có vẻ không vui:
- Vâng, tôi là thợ sơn đây. Trung Tâm Dịch Vụ Radnor hôm
nọ có giới thiệu tôi với bà Liz rồi. Ai ngờ bả lại đi vắng.
Tôi thầm thắc
mắc, già cả thế này, ăn mặc sang trọng thế kia mà lại làm nghề thợ sơn? Đất Mỹ
sao mà lắm chuyện lạ lùng! Rồi tôi nói lại cho bà Jane những gì bà Liz đã dặn
đêm qua. Vừa nói xong thì một chiếc xe nhỏ dừng lại trước nhà và bước ra 2 bà
nữa. Cũng già và cũng áo, váy đàng hoàng. Hai bà này đi một hơi tới bên bà Jane
và họ bàn tán gì đó với nhau một chặp. Tôi thấy hai bà mới tới nằng nặc đòi về.
Tôi nghĩ bụng, đám thợ sơn già này khó tính quá, không có chủ nhà thì thôi, mắc
mớ gì mà không chịu làm!
Tôi xía vào:
-Xin lỗi, hai bà cũng là thợ sơn?
Hai bà già gật đầu.
Tôi hỏi:
- Bà Liz cho tôi biết là có 9 người. Vậy mấy người kia
chưa đến, phải không?
Bà Jane ngạc nhiên:
- Sao lại 9 người? Trung Tâm Dịch Vụ Radnor chỉ giới
thiệu 3 chị em chúng tôi đến đây thôi. Ờ, hay là trung tâm khác cũng đưa người
của họ tới đây hôm nay?
Tôi nói:
- Dạ, chuyện đó thì tôi không biết. Tôi chỉ biết bà Liz
nói có 9 người. Mà thôi, bao nhiêu cũng được. Quý bà cứ làm, tôi để cửa mở, nếu
cần vào nhà xin quý bà cứ tự nhiên.
Rồi, theo lời
dặn, tôi chạy vào nhà, tháo tấm hình chụp khung cảnh ngày xưa của khu nhà này,
đem ra cho 3 bà coi.
Ba bà trầm trồ một lúc rồi hỏi:
- Chúng tôi bắt đầu làm việc được chưa?
Tôi nói:
- Tùy ý quý bà. Tôi đâu có ăn thua gì trong chuyện này.
Nhưng xin lỗi, mấy bà tính sơn cái gì trong vườn thế?
Một bà đáp:
- Thì sơn được cái nào hay cái nấy.
Tôi ngạc nhiên, nhủ thầm, đi sơn mà nói vu vơ kiểu này
rồi sơn bậy, sơn bạ, lại đổ cho mình cho phép thì kêu trời không thấu. Tôi vội
nói:
- Tuần rồi, tôi thấy có đám thợ làm gì lung tung trong đó
rồi. Sơn hay không sơn là tự ý của quý bà, tôi xin nói trước là tôi không có
trách nhiệm về việc này đâu nhé.
Ba ba già có vẻ nản chí ra mặt. Một bà nói:
- Chú này không được yên lòng. Thôi, mình về cho rồi.
Tôi sốt sắng:
- Không, không. Tôi yên lòng lắm chớ. Bà chủ nhà đã dặn
tôi đón tiếp quý bà mà. Thôi thì quý bà cứ đi làm đi. Tôi làm việc trong nhà,
nếu cần gì xin cứ gọi.
Ba bà già gật gù rồi bảo nhau ra xe lấy đồ nghề vào làm.
Tôi lững thững đi vào nhà, tiếp tục công việc dở dang của
mình. Đầu óc cứ lẩn quẩn những thắc mắc quanh mấy bà già thợ sơn kỳ lạ đó. Già
cả đi làm thợ sơn thì đã đành, nhưng thợ gì mà son phấn thế kia, quần áo sang
trọng thế kia, nữ trang đầy tay, đầy cổ thế kia?! Đã thế, bà nào cũng mang giày
cao gót thì làm sao mà sơn với phết?!
Chừng một giờ sau, lén nhìn ra vườn qua ô cửa kính để xem
họ làm lụng ra sao, tôi mất vía khi thấy ẩn hiện sau tàng lá cây, mỗi bà ngồi ở
một bậc, chễm chệ trên chiếc ghế vải nhỏ có lưng dựa, đôi mắt bà nào cũng mơ
màng nhìn về phía trước như đang chiêm nghiệm một điều gì. Trời đất ơi, làm ăn
kiểu này thì thật là quá cỡ thợ mộc rồi! Chắc nhân lúc chủ vắng nhà, mấy bà già
thợ sơn trổ mòi làm biếng ngồi chơi đây! Tôi không có ý sẽ mách lại chuyện tệ
hại này nhưng tôi cảm thấy xót xa thương hại bà Liz đã xui xẻo mướn lầm đám thợ
sơn đã già cả lại thiếu lương tâm đó. Còn cái Trung Tâm Dịch Vụ Radnor tội
nghiệp nào đó, cứ cái ngử này thì sập tiệm mấy hồi! Có lẽ nước Mỹ giàu sang quá
nên không còn đủ người làm công và đã đến lúc phải nhập khẩu lao động từ nước
ngoài như Đại Hàn, Mã Lai...?
Chịu hết nỗi sự hiếu kỳ, đến giờ nghỉ ăn trưa, tôi lò dò “lên”
vườn, lấy cớ giải lao để tìm hiểu ba bà đã làm những gì. Tôi gặp ngay bà Jane.
Bà đang ngồi phì phà điếu thuốc và thẫn thờ nhìn làn khói trắng vật vờ bay lên.
Thợ sơn kiểu này đúng là trên đời có một! Thấy tôi, bà vui vẻ nói :
- Đi đâu đấy? Đến đây chơi, chú!
Tôi bước đến, cố giữ vẻ thản nhiên :
- Bà chưa nghỉ trưa sao? Hồi sáng tới giờ, sơn được bao
nhiêu rồi, sắp xong chưa?
Bà Jane chỉ chỉ vào cái túi bên hông ghế và nói :
- Mới được một ít. Chắc đến xế thì xong.
Tôi thật sự kinh ngạc nhưng không dám lên tiếng. Tại sao
lại sơn cái gì trong cái túi vải đó? Và tôi nghĩ thầm rằng vì sợ bể mánh làm
biếng nên bà già này nói đại cho qua chuyện đó thôi. Già này dữ thiệt!
Bà Jane lại hỏi :
- Chú biết sơn không?
Tôi nhanh nhẩu:
- Dạ, biết chớ! Ngày xưa khi còn là sinh viên Sài Gòn,
tôi vừa đi học, vừa đi dạy giờ, vừa đi sơn đấy. Nếu bà thích biết ít nhiều về
quê hương của tôi thì tôi xin nói là sau khi Cộng Sản tấn công vào Sài Gòn cũng
như những thành phố trên toàn cõi miền Nam trong dịp Tết 1968, nhà cửa của dân
chúng vô tội bị tàn phá tan hoang; do đó, chính quyền miền Nam phải xây dựng
lại cho họ. Chung cư Ấn Quang là một trong những công trình ấy. Tôi làm thợ sơn
bán thời gian ở đó.
Bà Jane nhíu mày:
- Chú sơn cái gì ở đó?
Tôi kể lể:
- Tôi sơn đủ thứ, tùy theo yêu cầu của đốc công. Bữa thì
sơn cửa, bữa thì sơn cầu thang. Tôi còn biết quét vôi trần nhà hoặc vách tường
nữa!
Bà Jane nhìn tôi đăm đăm:
- Vậy chú có sơn như tôi không?
Tôi nhìn dáo dác quanh vườn:
- Bà sơn cái gì tôi không thấy?
Bà Jane đưa tay rút ra từ giỏ vải bên hông ghế một miếng
giấy bản với những nét vẻ phác họa phong cảnh:
-Như cái này nè!
Ngay lúc ấy, tôi chợt tỉnh ra. Thì ra, mấy bà già này
không phải là thợ sơn mà chính là họa sĩ. Cùng là “painter” mà tiếng Mỹ vừa có
nghĩa thợ sơn, lại vừa có nghĩa họa sĩ, mới chết chớ! Rồi cũng động từ “paint”,
vừa là sơn phết, vừa là vẻ, là họa. Rồi cùng lúc ấy, tôi chợt hiểu ra câu nói
“9 người” mà bà chủ nhà đã dặn đêm qua. Không phải là “nine people” (9 người),
mà là “nice people”(những người tử tế)! Vì
là “nice people” nên “please feel free to let them in” (chú cứ yên tâm cho họ
vào nhà). Hèn gì, mấy bà già đã không hiểu nỗi tại sao lại có đến 9 người! Và
sau này, bà Liz cho tôi biết Trung Tâm Dịch Vụ Radnor không phải là tổ chức
giới thiệu việc làm mà là một hội đòan của các nghệ nhân địa phương!
Nói
cho ngay, một phần do tôi sớn sác, đần độn; một phần do tiếng Mỹ còn nhiều chỗ
nghèo nàn thành ra mù mờ. Nếu không tận mắt nhìn thấy bà già Jane cầm họa phẩm
của mình thì có gì sai trái khi nói bả là thợ sơn?
Tiếng
nước tôi, tuy cũng có một số rât ít, rất ít mù mờ nhưng không quan trọng lắm.
Nhìn chung, tiếng nước tôi vô cùng phong phú và hết sức rõ ràng. Một thí dụ
nhỏ, Mỹ chỉ dùng một chữ You cho tất cả thứ bậc liên hệ, còn tiếng Việt thì
“con, cháu, em, anh, chú, bác hay ông, bà, dì, cô...” tùy theo mỗi trường hợp
mà có nghĩa thích hợp. Hơn nữa, tiếng Việt còn có cung bậc ngũ âm : sắc, huyền,
hỏi, ngã, nặng, nên chẳng khác gì một loại âm nhạc khiến người nghe có cảm giác
nhẹ nhàng như được nghe một bản nhạc, một bài thơ. Bởi thế, tôi yêu tiếng nước
tôi suốt đời, suốt kiếp. Con cái của tôi cũng vậy. Dù hằng ngày phải học, phải
nói bằng tiếng Mỹ nhưng trong thâm tâm, chúng vẫn không coi rẻ tiếng nói, chữ
nghĩa của dân tộc. Đứa con gái út thường tâm sự với tôi :
-Lạ
thiệt, Ba ạ! Ở trường, chỗ nào có tiếng Việt Nam thì con tìm đến ngay và thấy
thích ngay.
Về
tình yêu đôi lứa, cô bé nói như thế này :
-Con vẫn thích nghe “anh yêu em” hơn
là “I love you”. Nghe nó khô khốc, vô hồn quá sức, phải không Ba?
Đó,
tiếng nước tôi là đấy. Là tình tự, là quê hương, là nỗi niềm của những kẻ tha
phương. Là “bốn nghìn năm thành tiếng lòng tôi”. Xin hãy nhớ lấy và xin hãy
trân trọng giữ gìn ./.